Gia đình là điểm tựa trên mọi nẻo đường
Sân bay hôm qua thật đặc biệt, những cái ôm...
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước nhằm mở nhiều hướng giải quyết việc làm, nhất là đối với thanh niên. Ðến nay, Việt Nam có khoảng 500 nghìn người đang lao động ở nước ngoài và những năm gần đây, số lao động xuất khẩu ngày càng tăng.
Ðáng chú ý, năm 2017 nước ta đã đưa 134 nghìn người đi làm việc tại nước ngoài, bằng 128% so với chỉ tiêu đặt ra. Trong năm tháng đầu năm nay, tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 47.247 người, đạt 42,95% kế hoạch năm. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc đưa người đi làm việc, lao động ở nước ngoài mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động và bình quân thu về gần ba tỷ USD.
Xuất khẩu lao động góp phần quan trọng thay đổi tư duy, nhận thức và nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động. Nhiều người được tiếp cận máy móc, công nghệ tiên tiến, hiện đại, cải thiện vốn ngoại ngữ và hiểu biết về văn hóa. Rất nhiều người sau khi đi xuất khẩu lao động trở về nước tiếp tục làm công việc đã được đào tạo, có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay, tại thị trường có thu nhập cao thì tỷ lệ người lao động bỏ trốn, hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng cũng cao. Thí dụ tại Hàn Quốc, năm cao nhất tỷ lệ người lao động bỏ trốn là 55%; bình quân ở các nước khác là 15%. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình hình nêu trên là do các chủ doanh nghiệp tại Hàn Quốc có nhu cầu sử dụng lao động trong khi những người trốn ở lại thường có tay nghề cao; thu nhập khi làm việc bất hợp pháp có thể trốn thuế…
Thời gian qua, Việt Nam đã phải dừng việc đưa người lao động ở một số tỉnh và một số huyện đi lao động, làm việc tại Hàn Quốc bởi các cơ quan chức năng nước bạn đặt ra nguyên tắc không tuyển dụng lao động ở địa phương có tỷ lệ bỏ trốn ở lại hơn 30%. Bên cạnh đó, hoạt động của một số công ty chuyên về lĩnh vực xuất khẩu lao động đang còn những hạn chế, bất cập và nhiều vi phạm gây lo lắng cho gia đình và bản thân những người đi xuất khẩu lao động.
Trước thực trạng nêu trên, mấy năm gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan của Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng Hàn Quốc và phía bạn cũng quyết liệt xử lý các doanh nghiệp vi phạm. Các địa phương, bộ, ngành đã cùng tham gia tuyên truyền, định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về việc phải nghiêm túc tuân thủ hợp đồng… Nhờ vậy, số người lao động ở lại làm việc bất hợp pháp đã giảm: Năm 2016, có 58 huyện có hơn 30% số lao động và 60 người trở lên trốn và lao động bất hợp pháp; đến năm 2018 con số này đã giảm, hiện còn 49 huyện. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cần được tiếp tục nghiên cứu cắt giảm hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, nhất là những người ở vùng xa, vùng sâu, miền núi.
Một trong những việc cần làm tốt trong công tác xuất khẩu lao động là xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm với tinh thần bảo đảm để người lao động được thụ hưởng các chính sách của Ðảng, Nhà nước. Cần yêu cầu các doanh nghiệp khi tổ chức tuyển dụng ở các địa phương phải thông báo công khai về nhu cầu, mức thu, lệ phí thu và địa bàn cũng như công việc mà người lao động sẽ làm. Tuyên truyền, làm rõ để những người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài kiên quyết không đóng, nộp các loại phụ phí không có trong quy định.
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những biện pháp hiệu quả nhằm khắc phục kịp thời những điểm yếu của người lao động của Việt Nam hiện nay như: trình độ ngoại ngữ kém, kỷ luật lao động chưa cao… Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần phối hợp tốt các cơ quan chức năng của nước bạn và của Việt Nam; thường xuyên quan tâm hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn của người lao động ở nước ngoài…
Nguồn: nhandan.com.vn